Emma Hart (phần 1): lắm bồ và lắm tranh

0
1781

Các họa sĩ hì hụi vẽ nàng chỉ tầm… gần trăm bức họa, bao nhiêu người đã tán tụng và đưa nhan sắc của nàng thành huyền thoại, nhiều vị quý tộc chết mê chết mệt nàng. Nàng khai sinh ra một môn nghệ thuật hoàn toàn mới. Từ một cô gái tỉnh lẻ vô danh, nàng trở thành cái tên sống mãi trong nghệ thuật và lịch sử nước Anh.

Nàng là ai? Nàng là Emma Hart, hay còn được gọi là Emma Hamilton hay Lady Hamilton.

Chân dung Emma Hamilton, do họa sĩ George Romney vẽ.
(Toàn bộ hình ảnh trong bài là sưu tầm trên Internet)

Sinh trưởng ở làng quê xa xôi, rất ít thông tin của nàng được ghi lại. Những gì chúng ta còn được biết, nàng sinh vào ngày 26. 4. 1765 dưới cái tên Amy Lyon, con của một thợ rèn. Sau khi đổi tên thành Emma Hart để nghe cho sang trọng, nàng bôn ba lên London. Giai thoại đồn nào thì nàng làm hầu gái, rồi nào là trình diễn nude trong các bữa tiệc trác táng, hoặc kỳ quặc hơn, là… minh họa cách sử dụng giường chiếu chuẩn cho các cặp vợ chồng mới cưới. Chỉ có một điều chắc chắn rằng những năm tháng mới lớn của nàng đã giúp nàng ý thức rất rõ về thế mạnh ngoại hình, kỹ năng trình diễn lẫn phô diễn nhan sắc và dùng nó cho mục đích của mình.

Thời đại nào cũng không thiếu những cô gái tỉnh lẻ lang thang lên thành phố với hy vọng đổi đời, và thời đại nào thì cũng vô số cô không đạt được nguyện vọng. Nhưng Emma không nằm trong số đó. Nàng nhảy vọt lên tầng lớp thượng lưu. Đàn ông say đắm nàng, si mê cả nhan sắc, tình yêu, lòng trung thành lẫn những giấc mơ mà nàng mang lại.

Năm 16 tuổi, Emma có một mối tình với Sir Harry Fetherstonehaugh. Vừa dính tình, nàng cũng đồng thời dính bầu. Sir Harry Fetherstonehaugh sau khi biết chuyện đã cao chạy xa bay. Charles Greville, một “đại gia” có vai vế rất khá: em họ của một bá tước và là cháu ngoại của một công tước, mau mắn đưa Emma về nhà, lo cho nàng sinh đẻ. Sau khi đứa bé đẻ ra và được gửi đến cho họ hàng nuôi, Emma toàn tâm toàn ý làm người tình của Charles Greville, gom về cho nàng và mẹ một căn nhà ở ngoại ô xinh xắn dưới tên mình, âu cũng là kịch bản quen thuộc của chân dài – đại gia từ trước đến nay. Charles Greville sau đó dẫn Emma đến gặp họa sĩ George Romney với ý định đặt hàng mấy bức tranh.

George Romney – tự họa

Chẳng ngờ Emma đã khiến vị họa sĩ kia choáng ngợp. George Romney gọi nàng là “quý cô thần tiên (divine lady), vượt trội hơn tất cả phụ nữ trên đời này”. Kể từ lần gặp đầu tiên, vẻ đẹp phồn thực tựa những bức tượng Hy Lạp cổ đại, cộng với mái tóc hạt dẻ bồng bềnh như những tiên nữ trong tranh Paul Rubens đã khiến Emma trở thành nàng thơ lớn nhất đời George Romney.

Emma xuất hiện trong chiếc nón rơm, mặc váy trắng giản dị và ngồi với tư thế rất khép nép và “đứng đắn”, ý muốn nói nàng ngây thơ và trong sáng.

Ngoài nhan sắc, nàng còn có khả năng tạo dáng, trình diễn, đứng mẫu rất lâu, là một mẫu tranh hoàn chỉnh. Cần kể thêm cả sự khéo léo trong giao tiếp vốn khiến bao quý ông say đắm. Sự kết hợp này khiến trong một thời gian dài Romney hầu như không vẽ gì khác hay vẽ ai khác ngoài Emma, và chủ đề thì vô cùng đa dạng, từ ngày thường, chân dung đến các nhân vật cổ điển trong truyền thuyết hay tôn giáo. Sự kết hợp này đem đến danh tiếng cho Emma nhanh chóng, nhan sắc của nàng được truyền bá khắp nơi. Chỉ trong bốn năm, nàng đã làm mẫu cho Romney đến hơn 100 lần. Về sau thì Romney vác cả đồ nghề sang nhà Emma để vẽ luôn cho tiện.

Emma, cũng vẫn trong bộ váy giản dị ngồi kéo sợi, nhằm thể hiện sự chăm chỉ cần mẫn chịu thương chịu khó của nàng, đồng thời nhắc nhở mọi người rằng nàng là một người tình ngoan ngoãn, chân chất đúng chuẩn của Charles Greville. Cũng trong thời gian này tình hình tài chính của Charles Greville đi xuống, bức tranh này đã được bán cho người sưu tầm khác để bù vào chi phí Charles Greville thuê họa sĩ vẽ Emma.

Vào năm 1783, Sir William Hamilton, một nhà ngoại giao và cũng là người đam mê nghiên cứu núi lửa, quay trở lại Anh quốc để chôn cất di hài của vợ mình. Trong thời gian Sir William Hamilton ở lại London, ông thường ghé chơi nhà cháu trai Charles Greville và ngay lập tức yêu thích cô nhân tình Emma của cháu mình. Emma có những nét đẹp không khác gì những bức tượng Hi-La mà Hamilton yêu thích, thậm chí ông còn so sánh cơ thể của Emma với hình ảnh của nữ thần Hy Lạp. Khi rời khỏi London, Hamilton đã đem theo cùng ông một bức tranh vẽ nàng.

Bức Sir Hamilton đã mang theo: Emma trong vai “bacchante”. Bacchante theo thần thoại La Mã và Manead trong thần thoại Hy Lạp là những phụ nữ thờ phụng và đi theo thần rượu nho Bacchus (Dynonysus). Các cô này nói chung là đẹp, nhảy hay, múa dẻo, ăn uống chơi bời vui tươi nhưng lắm lúc cũng khá hung dữ. Theo thần thoại Hy Lạp thì các nàng này là người đã đánh chết Orpheus – chàng nhạc sĩ yêu vợ nên tìm xuống âm phủ cứu vợ (nhưng thất bại).

Hai năm sau, trong nỗ lực để cứu vãn tình hình tài chính tồi tệ, Charles Greville cần cưới một người vợ giàu có và để tiễn biệt cô nhân tình của mình nhẹ nhàng, Charles viết thư cho Hamilton ngỏ ý muốn “nhượng” Emma Hart cho chú mình. Với sự cách biệt về giai cấp và kiến thức, cho dù Emma chiếm được trọn vẹn sự yêu thích của Hamilton thì hai người cũng chẳng thể kết hôn, đây là bước đi chiến lược của Charles Greville nhằm đảm bảo phần thừa kế của mình sẽ to hơn bởi khi đó Hamilton đã đến tuổi già. Emma thì vẫn chẳng hay biết gì về kế hoạch của Greville, vẫn mong chờ người tình của mình sẽ đến đón mình về. Ba tháng, rồi sáu tháng chờ đợi mòn mỏi ở Naples xa xôi. Cuối cùng Emma, đủ thông minh để biết điều gì đang xảy ra, đã trở thành tinh nhân của Hamilton dù những cánh thư nàng để lại sau này cho biết nàng vẫn nuôi dưỡng tình yêu với Charles Greville bội bạc.

Emma trong bộ váy buổi sáng, tranh do George Romney vẽ. Vốn lúc đầu bức này thuộc sở hữu của Charles Greville. Nhưng do Sir Hamilton thích quá nên Emma đã viết thư hỏi Charles gửi sang Naples để làm một bộ đôi với bức Bacchante.

Tại nhà của Hamilton, Emma đã dùng tài năng diễn xuất và đứng tạo dáng của mình để thực hiện những buổi trình diễn (Attitudes) cho giới quý tộc. Nhờ thời gian làm mẫu cho George Romney, nàng có thể dễ dàng hóa thân thành vô vàn các bức tượng và nhân vật trong thần thoại Hi – La cho khách khứa chiêm ngưỡng.

Minh họa lại buổi diễn của Emma, được cho là do họa sĩ Francessco Novelli vẽ.

Emma thường mô tả lại những trường đoạn kinh điển như khởi đầu trận chiến thành Troy, nữ thần trừng phạt/giúp đỡ vị anh hùng nào đó, v.v… Môn nghệ thuật tái hiện lại tích cổ, tượng cổ này phát triển thành Mimoplastic art (không biết dịch ra tiếng Việt là gì?), hiểu nôm na gần như những trò diễn tượng người ngày nay nhưng biến đổi nhiều hơn.

Trong số các khán giả có cả nhà văn – nhà triết học người Đức Johann Wolfgang Goethe. Goethe đã mô tả lại trải nghiệm của mình như sau: “… với một gương mặt kiều diễm và một thân hình hoàn hảo…[bà Halmilton] thả tóc xuống và tạo vô vàn kiểu dáng chỉ bằng sự trợ giúp của vài chiếc khăn choàng, khiến người xem không thể tin vào mắt mình…”

Đàn ông thì tít mắt lên như vậy đấy, nhưng các bà các cô thì vẫn khắt khe hơn nhiều. Nghệ sĩ Elizabeth Vigée le Brun thì chỉ trích rằng: “quý cô Hamilton chẳng có mấy tí trí tuệ, đã thế còn hay chỉ trích và châm biếm người khác quá mức”. Tuy phàn nàn thế, nhưng chính Elizabeth cũng vẽ kha khá tranh về Emma, thậm chí còn trực tiếp biên đạo một màn biểu diễn của Emma dành cho công tước de Berry và de Bourbon. Đúng là ghét thì ghét chứ đẹp thì vẫn đẹp.

Tranh Elizabeth vẽ Emma – bacchante. Nghệ sĩ Elizabeth lại có một câu chuyện riêng khi trở thành họa sĩ riêng của hoàng hậu Marie Antoinette và sau này phải chạy trốn sang các nước khác suốt một thời gian dài sau khi C ách mạng Pháp nổ ra.

Emma thì khỏi nói, vui sướng vô cùng khi được nổi tiếng và chú ý. Tình nhân của nàng, Sir Hamilton cũng vui không kém vì vừa được khoe người tình, vừa giao du được với nhiều người, lại còn có thể tranh thủ kiếm thêm nhờ bán các bức họa vẽ cô tình nhân nhỏ bé.

Năm 1791, nàng đã chính thức kết hôn cùng Sir Hamilton và quay lại London sống, bất chấp khoảng cách về giai cấp, tuổi tác và danh giá. Năm đó Emma 26 tuổi còn Sir Hamilton 61 tuổi. Thế là kế hoạch hưởng thừa kế của cậu cháu Charles Greville – người tình trước của Emma – vỡ tan. Quả là người tính không bằng trời tính.

 

Emma Hart (phần 2): nhấn chìm hào quang trong bài và rượu 

Emma trong vai Miranda, nhân vật trong vở kịch Bão tố của Shakespeare.

Nói thêm một chút về George Romney – vị họa sĩ phát cuồng vì Emma. Sau khi Emma rời London để đến nhà Sir Hamilton, George Romney nhanh chóng rơi vào tuyệt vọng và đau khổ. Việc Emma về lại London đã khiến người họa sĩ này như hồi sinh, ông mau chóng đặt lịch hẹn vẽ với Emma, có khi liên tục cả ngày. Tuy vậy chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, Emma cùng chồng lại sang Italy và sự nghiệp hội họa của George Romney cũng chìm vào bóng tối. Đúng là hồng nhan họa thủy.

Emma trong vai Ariadne, công chúa đảo Crete đã người anh hùng Theseus khỏi bị lạc trong mê cung khi đấu với quái vật Minotaur. U sầu thế này chắc là cảnh lúc nàng Ariadne bị Theseus bỏ lại trên đảo. Điều thú vị là tuy mang tiếng vẽ cảnh trong thần thoại mà khác với các bức tranh khác, trong này bộ quần áo Emma mặc rất hiện đại.

Năm 1793, Emma gặp gỡ đô đốc Nelson trong thời gian xảy ra giao tranh Anh-Pháp. Đây cũng là những tháng ngày huy hoàng nhất của nàng. Những buổi biểu diễn của nàng ngày càng được dàn dựng công phu, nàng còn cho thấy mình có khả năng ca hát rất tốt. Nhờ tính cách vui vẻ, sự nổi tiếng, tài năng và khả năng nói được nhiều ngoại ngữ, nàng thậm chí còn trở thành bạn thân của hoàng hậu Naples, Maria Carolina. Có tin đồn rằng Emma đã đóng góp một phần ảnh hưởng lên những biến động xảy ra thời gian này vì hoàng hậu rất yêu quý nàng nên đã khuyên chồng mình là vua Ferdinand IV & III tham gia tích cực hơn vào các sự kiện chính trị. Đô đốc Nelson trong thư gửi vợ mình cũng đã không ngớt lời khen ngợi bà Hamilton xinh đẹp đáng yêu.

Tranh chân dung đô đốc Nelson do John Hoppner vẽ. Đô đốc Nelson là một anh hùng dân tộc của nước Anh, cũng là một trong những vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử nước Anh và châu Âu. Đài tưởng niệm của ông nằm ở vô số nơi trên khắp nước Anh.

Những tháng năm sau đó là cả một thời kỳ căng thẳng cho cả cặp vợ chồng Hamilton lẫn Naples. Em gái của hoàng hậu Naples, không ai khác chính là hoàng hậu nước Pháp Marie Antoinette, bị xử tử; ngọn núi lửa Vesuvius tại Naples thì phun trào những đợt dữ dội nhất trong lịch sử khiến mọi người hoảng sợ; Sir Hamilton thì lâm bệnh. Sự lo lắng và suy sụp khiến Emma béo lên rất nhiều, ảnh hưởng không ít đến những buổi trình diễn của nàng. Có thể trong thời gian này Emma đã đem lòng thương nhớ Nelson – vị đô đốc ở nơi xa xôi, người mang đến nhiều hy vọng không chỉ cho quốc gia mà còn cho cả nàng.

Năm năm sau ngày gặp đầu tiên, đô đốc Nelson cuối cùng cũng quay lại Naples trong vị thế của một vị đại anh hùng với chiến thắng lẫy lừng ở Trận chiến sông Nile (Battle of the Nile). Tuy vậy cái giá của vinh quang là Nelson mất một cánh tay, hầu như toàn bộ răng, đồng thời bị ốm rất nặng. Sir Hamilton và Emma chào đón Nelson về nhà mình và Emma đã dành toàn bộ thời gian sau đó chăm sóc cho đến khi đô đốc Nelson khỏe lại. Tình yêu của hai người cứ thế chớm nở ngay trước mặt Hamilton. Thái độ của Sir Hamilton – người chồng hợp pháp của Emma – như thế nào? Có vẻ như ông không những không quan tâm mà thậm chí còn ủng hộ mối lương duyên ngang trái này. Xin nhắc lại, Nelson và Emma đều đã yên bề gia thất ở thời điểm đó.

Tranh biếm họa về mối quan hệ tay ba này. Nelson thì đeo kính ngược, tuyệt nhiên chả nhìn thấy tí gì trước mắt. Trên tường là bức tranh vẽ Emma nhưng được đặt tên “Cleopatra” còn bức vẽ Nelson thì tên “Mark Anthony”. Tác giả không quên vẽ thêm ngọn núi lửa tai họa Vesuvius và Claudius, con của Cleopatra và Caesar (chắc lúc đó chán quá chẳng buồn nhìn nên quay mặt đi nơi khác?).

Một điều thú vị là trong khi Emma được ca tụng có cơ thể tuyệt mỹ của nữ thần Hy Lạp cổ đại thì con tàu do đô đốc Nelson chỉ huy có tên Agamemnon – vị anh hùng dẫn đầu đoàn quân Hy Lạp tấn công Troy trong thần thoại. Trận chiến thành Troy được kể lại kéo dài đến 10 năm chỉ vì anh Paris mê gái, có lẽ như là điềm báo trước đến việc Nelson cũng sẽ mê Emma như điếu đổ sau này?

Trong suốt 18 tháng sau đó, đô đốc Nelson cùng con tàu của mình đã vô số lần đưa vua và hoàng hậu Naples, cũng như gia đình Hamilton chạy thoát khỏi những giao tranh của thời kỳ bất ổn, đồng thời xây đắp tình cảm với Emma bất chấp lời ra tiếng vào. Emma thì bắt đầu chìm đắm vào rượu, bài bạc và vào tình yêu với Nelson.

Bức tranh biếm họa Dido in Despair, thể hiện Emma với cơ thể béo phì, bất thần nhào khỏi giường và khóc: “chàng thủy thủ đẹp trai của ta đi đâu rồi?” trong khi ông chồng già William ngủ say không hay biết gì bên cạnh. Trên sàn là đầy rẫy những cổ vật, tranh vẽ về thời nhan sắc hoàng kim xưa của bà Hamilton.

Năm 1800, đô đốc Nelson viết thư báo rằng mình quá yếu để có thể tiếp tục nhiệm vụ. Triều đình cho phép ông trở về nhà nhưng Nelson để mặc vợ mình và dành hầu hết thời gian cho gia đình Hamilton. Cùng thời gian này, Emma mang thai với Nelson nhưng bị sảy.

Năm 1803, Sir Hamilton mất. Emma và Nelson sống hạnh phúc bên nhau trong một căn biệt thự nhỏ xinh ở Merton và trải nghiệm cuộc thần tiên với đứa con thứ 2 là Horatia – ra đời mạnh khỏe. Tại lễ rửa tội, Nelson và Emma ký tên với danh nghĩa “cha mẹ đỡ đầu” để rồi sau đó lại làm thủ tục nhận chính đứa con của họ làm con nuôi.

Nhưng chỉ 2 năm sau, vào năm 1805, đô đốc Nelson tử trận trong trận chiến Trafalgar, để lại Emma trong nỗi đau không dứt. Vì là người tình, lại có quá khứ “không sạch sẽ” cho nên nàng thậm chí không được dự đám tang của người mình thương yêu dù lễ tang có đến hàng nghìn người tham dự.

Chiếc quan tài đá của đô đốc Nelson trong nhà thờ thánh Paul tại London.

Nelson để lại khá nhiều tài sản của mình cho Emma nhưng vua George đệ Tam cùng quần thần lẽ nào để chuyện đó xảy ra? Emma chỉ có căn nhà nhỏ tại Merton, cùng một ít tiền do Sir Hamilton và gia quyến ngài Nelson để lại cho nàng. Tuy nhiên với sự giúp đỡ của bạn bè hai vị quý tộc, đúng ra Emma vẫn có thể sống ung dung đến cuối đời nếu như nàng không nghiện rượu và bài bạc nặng. Nàng nướng tất cả vào chiếu bạc, mang món nợ khổng lồ không thể trả và bị bắt giam suốt 10 tháng. Nhan sắc phai tàn, tinh thần xuống dốc, khi ra tù Emma sống cùng con gái Horatia Nelson cho đến khi mất vào năm 1815 tại Calais, một làng quê nhỏ tại Pháp.

Tranh vẽ Horatia. Nhờ sự dạy dỗ của Emma, Horatia cũng thông thạo nhiều ngoại ngữ.

Vậy là vĩnh biệt một nhan sắc huyền thoại, tạo nên nhiều câu chuyện và sóng gió. Lady Hamilton hay Emma Hamilton, Emma Hart đã vĩnh viễn đi vào lịch sử nước Anh là một đề tài của nghệ thuật, nhan sắc và cả thị phi.

Emma trong vai một nữ tu La Mã. Tranh của Goerge Romney.

Riêng về Horatia, cô sống cùng Emma cho đến khi bà mất. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè của cha trong chính quyền, Horatia tổ chức đám tang cho Emma nhanh gọn và trốn sang Anh trong lốt cải trang thành con trai, cốt để bỏ chạy khỏi món nợ khổng lồ Emma để lại. Tại đây, cô được chị gái của đô đốc Nelson chăm sóc và giúp đỡ. Phải đến 30 năm sau, Horatia mới biết được cha mẹ ruột mình là ai. Cô chấp nhận và tự hào có người cha là đô đốc Nelson nhưng từ chối nhận mẹ cho đến cuối đời.

Willow Wằn-Wại

trần thạch cao cổ điển
trần thạch cao cổ điển

 

BÌNH LUẬN