Món ăn vị thuốc tăng cường sức khỏe

0
730

       Suckhoedoisong.vn – Cách ăn uống trong Đông y có nhiều cách, và nhiều chất để bồi bổ khí huyết, giúp tăng cường sức khỏe. Những vị thuốc, những món ăn sau không xa lạ, nhưng phải biết kết hợp để phát huy tác dụng của từng chất, để đưa vào đúng địa chỉ cần cho sự nuôi dưỡng và phát triển cơ thể.

Trong mỗi cơ thể con người, khi khí huyết lưu thông là khí huyết dồi dào. Khí huyết dồi dào thì đỏ da thắm thịt, sức khỏe bình thường không thể phát sinh bệnh tật. Đó là nguyên lý tự nhiên.

Khí huyết từ đâu sinh ra? Theo học thuyết Đông y khi người ta ăn uống vào, tỳ vị biến thức ăn đồ uống thành tinh chất, nạp vào thận, thận dương biến tinh chất ấy thành khí. Thận âm biến tinh chất ấy thành dịch và huyết. Khí được đưa lên phổi kết hợp với khí trời để thành khí hữu hình và khí vô hình. Khí vô hình lưu thông trong cơ thể để nuôi dưỡng và bảo vệ cơ thể. Khí hữu hình để sinh ra nòi giống. Huyết được đưa lên tim qua hệ thống mạch máu nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể.

Món ăn vị thuốc tăng cường sức khỏeGà ác…

Ô kê ngũ vị ẩm

Ô kê là gà đen còn có tên là gà ác, là loại gà xương thịt đen nhưng lông trắng, chân và mỏ đen trước đây hiếm nhưng nay trên thị trường có sẵn. Thịt của nó có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bồi bổ cơ thể, khi cơ thể người già bị suy nhược, trẻ em bị suy dinh dưỡng, tỳ vị suy yếu mắc chứng cam, còi xương, bị kiết lỵ, phụ nữ huyết hư sinh chứng băng huyết, bạch đới. Phối hợp với các vị thuốc:

Thục địa có vị ngọt, tính ôn vào kinh tâm (tim), can (gan) thận có tác dụng bổ thận tráng thủy, tư âm dưỡng huyết, trị chứng âm hư huyết suy, chứng ngũ lao tổn thương.

Mạch môn để đại bổ tinh huyết. Mạch môn có vị ngọt tính mát vào các kinh tâm, phế, vị (dạ dày), có tác dụng thanh tâm hỏa, nhuận phế, dưỡng vị sinh tân dịch.

Đậu xanh Đông y gọi là lục đậu có vị ngọt tính mát vào kinh vị, tâm, can, có tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Gạo nếp có tên nhu mễ, dự mễ, đạo mễ, có vị ngọt, tính ấm, mùi thơm mềm dẻo có tác dụng bồi bổ tỳ vị, do tỳ hư mệt mỏi ăn uống kém.

Cách làm: Gà ác một con, làm sạch bỏ phổi, ruột, chỉ lấy tim, gan, mề. Thục địa 30g, mạch môn 20g, đậu xanh 100g, gạo nếp 300g, muối 5g, hạt tiêu 3g. Cho vào trong bụng gà. Sau đó cho vào nồi đổ nước ngập ninh nhừ.

Cách dùng:  Chia hai lần ăn vào buổi sáng và buổi tối, buổi sáng ăn nhiều hơn thay bữa sáng, buổi tối ăn ít hơn. Mỗi tuần ăn một lần.

Bài thuốc có tác dụng: Bồi bổ tỳ vị làm cho tỳ vị mạnh, tiêu hóa tốt, hấp thụ được nhiều tinh chất của đồ ăn thức uống để bồi bổ thận sinh tinh huyết và huyết dịch. Bài thuốc dùng cho mọi lứa tuổi kể cả nam và nữ. Trẻ em dưới 6 tuổi ăn ½ lượng của người lớn.

Món ăn vị thuốc tăng cường sức khỏe… thịt dê…

Dương nhục sâm truật ẩm

Dương nhục (thịt dê) vị ngọt, tính ôn, vào hai kinh phế và tỳ có tác dụng bổ thận, ích bổ tâm tỳ, bổ nguyên dương (mệnh môn hỏa) do thận dương kém không sinh ra được khí nên tay chân lạnh, đau lưng, mệt mỏi, lãnh cảm tình dục. Bệnh nhân sau khi ốm dậy, khí huyết hư tổn.

Nhân sâm vị ngọt hơi đắng tính hơi hàn vào kinh phế và 12 kinh lạc khác, có tác dụng đại bổ nguyên khí, bổ tân dịch, trị các chứng khí kém mệt mỏi, dương sự kém lãnh cảm tình dục. Có thể thay nhân sâm bằng sâm bố chính của Việt Nam rẻ nhưng tác dụng cũng tốt khi sinh thời Hải Thượng Lãn Ông thường xuyên dùng sâm bố chính, rất ít dùng nhân sâm.

Đương quy vị cay hơi ngọt đắng tính ấm có mùi thơm vào kinh tâm, can, tỳ có tác dụng bổ huyết bổ khí sinh cơ, nhuận táo hoạt tràng. Trị chứng huyết hư, ứ huyết, chấn thương làm tổn thương khí huyết.

Bạch truật vị ngọt đắng, tính ôn vào hai kinh tỳ vị, có tác dụng điều hòa trung tiêu ích khí kiện tỳ, trừ thấp sinh tân dịch và huyết dịch, ấm trung tiêu.

Liên nhục (hạt sen) vị ngọt sáp tính bình vào ba kinh tâm, tỳ, thận, có tác dụng bổ tâm an thần, ích tỳ, cố tinh hồi dương. Trị chứng huyết kém tâm yếu mất ngủ, tiết tả, di tinh, bạch đới.

Đại táo, vị ngọt tính bình vào hai kinh tỳ, vị. Có tác dụng bổ trung ích khí dưỡng tỳ hòa vị. Trị chứng tỳ vị hư tổn, dinh vệ không điều hòa, đau vùng ngực do hàn từ thận đưa lên, hỏa uất từ can, điều hòa các vị thuốc trong bài.

Sinh khương (gừng tươi) vị cay tính ôn vào kinh phế (phổi) tỳ, vị. Có tác dụng tán hàn giải biểu, ôn trung tiêu đờm, thông thủy, tăng cường tiêu hóa, giúp cho chính khí mạnh lên, tiêu trừ tà khí.

Cách làm: Thịt dê 1000g, nhân sâm 30g nếu dùng sâm bố chính 60g, bạch truật 20g, liên nhục 100g, đương qui 30g, đại táo 10 quả, gừng tươi 5 lát dày. Thịt dê bỏ da thái lát vừa phải, trộn lẫn với các vị thuốc trên cho thêm 10g muối ăn 3g hạt tiêu. Đun chín nhừ.

Tác dụng: Bài thuốc có tác dụng kiện tỳ bổ thận bình can dưỡng tâm huyết, bổ thận khí, làm mạnh chính khí tiêu trừ tà khí.

Cách dùng:  Nam nữ trẻ già đều dùng được, không phải kiêng cữ gì. Đây là liều lượng cho 4 người ăn, tùy theo số lượng người ăn mà thêm bớt liều lượng các vị thuốc, có thể làm ăn hàng ngày, hoặc cách một ngày ăn một bữa.

Món ăn vị thuốc tăng cường sức khỏe… nộm dưa chuột ngó sen… là những món ăn bài thuốc giúp tăng cường sức khỏe.

Nộm – món ăn vị thuốc

Dưa chuột vị ngọt hơi đắng tính mát có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu.

Liên ngẫu (ngó sen, rễ sen) khi luộc chín tính ôn vào bốn kinh tâm, can, tỳ, vị, có tác dụng kiện bổ tỳ vị, ích huyết, có tác dụng sinh huyết mới, bổ tâm an thần. Bồi bổ sau khi ốm dậy, người cao tuổi suy nhược, phụ nữ sau khi sinh huyết hư huyết kém.

Ô kê ngũ vị ẩm bồi bổ tỳ vị làm cho tỳ vị mạnh, tiêu hóa tốt, hấp thụ được nhiều tinh chất của đồ ăn thức uống để bồi bổ thận sinh tinh huyết và huyết dịch.

Tía tô (tô diệp) vị cay tính ôn vào hai kinh phế và tỳ, có tác dụng tán phong, lý khí giải độc. Trị các chứng tà khí xâm phạm vào phế sinh chứng cảm mạo phong hàn, nóng sốt, ho, ngạt mũi sợ lạnh.

Vỏ cam (hương duyên bì) vị cay chua tính bình vào ba kinh phế, can, tỳ. Có tác dụng lợi khí ở phổi, đau tức ngực khó thở. Trị các chứng khí huyết ủng tắc, ho, nhạt miệng, ăn kém, vị quản thống.

Kinh giới vị cay tính ôn, vào hai kinh phế và can. Có tác dụng khư hàn, tán nhiệt giải biểu. Trị chứng cảm mạo, đau họng, sốt, chảy máu cam, các chứng về huyết.

Hồ đào (quả óc chó) vị ngọt tính ôn vào ba kinh phế, can, thận. Có tác dụng ôn bổ hạ tiêu thu nạp thận khí. Trị chứng thận hư hàn suyễn thở, tinh quan đóng không kín. Khí huyết suy tổn, người cao tuổi thận kém tiểu đêm nhiều.

Rau mùi – hồ tuy (cây ngò, rau thơm) vị cay tính ôn, có mùi thơm đặc biệt vào hai kinh phế, vị. Có tác dụng trừ phong hàn, giải uế khí.

Cách làm: Dưa chuột 500g, bỏ vỏ cắt khúc thái thành sợi. Liên ngẫu đã luộc chín 500g, bỏ vỏ cắt khúc thái thành sợi. Tía tô 20g rửa sạch thái nhỏ. Kinh giới 20g rửa sạch thái nhỏ. Vỏ cam 20g, bỏ hết cùi chỉ lấy vỏ ngoài thái nhỏ. Hồ đào 200g bỏ vỏ ngoài lấy nhân, sao giòn có mùi thơm. Rau mùi 10g rửa sạch thái nhỏ. Cho ít giấm và một số gia vị như tỏi, ớt vừa đủ trộn đều.

Tác dụng: Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát huyết bổ tỳ vị, bổ thận mát gan, tăng cường khí huyết, bồi bổ chính khí, bài trừ tà khí. Nam nữ các lứa tuổi đều ăn được. Có thể ăn thay rau trong bữa ăn.

TTND. BS. Nguyễn Xuân Hướng

consol-40-40-60cm
consol-40-40-60cm

BÌNH LUẬN