Einstein – thiên tài của mọi thiên tài

0
2787
Không thể chống lại những thằng ngu vì chúng quá đông
Không thể chống lại những thằng ngu vì chúng quá đông

Năm 2005 đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức gọi là Năm quốc tế về vật lý và nước Đức tuyên bố năm 2005 là Năm Einstein. Trong vật lý học có 2 người khổng lồ – Issac Newton (1642-1727) và Albert Einstein (1879 – 1955).

Einstein sinh ra lúc 11h30 ngày 14/3/1879 tại Ulm, Đức, trong một gia đình gốc Do Thái. Gia đình từng sợ ông bị thiểu năng trí tuệ vì đến 4-5 tuổi ông vẫn chưa biết nói. Einstein học trung học ở Munich, thường bị xếp cuối lớp vì không chịu học thuộc lòng. Tháng 10/1896, mới 17 tuổi, Einstein theo học Học viện Bách khoa Zurich. Năm 1900, ông tốt nghiệp đại học và lâm vào cảnh thất nghiệp. Mãi đến tháng 6/1902, ông mới xin được việc tại cơ quan cấp bằng sáng chế liên bang tại Berne (Thụy Sĩ) với mức lương 3500 franc Thụy Sĩ. Năm 1903, ông kết hôn với Maric Mileva – một bạn học cũ. Năm 1904, họ sinh con trai đầu lòng.

Năm 1905 (26 tuổi), Einstein hoàn thành một lúc 4 công trình nghiên cứu quan trọng: Phương pháp xác định mới về độ lớn của phân tửThuyết quang lượng tửChuyển động BrownBàn về điện động lực học của các vật thể động.

Công trình thứ 4 là nghiên cứu đầu tiên về Thuyết tương đối. Trước đó, cơ học Newton xây dựng trên cơ sở thời gian tuyệt đối và không gian tuyệt đối. Newton cho rằng trong bất kỳ điều kiện nào thì độ dài thời gian đo được luôn luôn như nhau. Einstein thì chứng minh được rằng độ dài thời gian đo được trong những điều kiện khác nhau là không giống nhau. Về không gian cũng tương tự như vậy. Đó là tóm tắt ngắn nhất về Thuyết tương đối hẹp. Phương trình nổi tiếng E=mc² cũng ra đời trong năm này và được coi là một trong những phương trình vật lý học nổi tiếng nhất trong lịch sử.

Einstein đi đầu mọi nhà thông thái khác về hàng loạt vấn đề: Luật chuyển động của vũ trụ; tia sáng từ các hành tinh xa khi tiến đến gần mặt trời sẽ bị cong đi do sức hút từ mặt trời; cách định lượng các nguyên tử nhỏ li ti; nhịp độ trôi của thời gian phụ thuộc vào người quan sát… Tuy vậy, khi gặp ông, các nhà bác học rất ngạc nhiên vì thấy ông chỉ là một viên chức quèn, đầu bù tóc rối, áo quần nhàu nát, chuyên đi xe đạp.

Mãi đến năm 1910, nhờ sự giới thiệu của giáo sư Klein, Đại học Zurich mới mời Einstein đến giảng dạy với mức lương là 4.500 franc Thụy Sĩ – số tiền vừa đủ nuôi sống gia đình ông thời ấy.

Năm 1916 (ở tuổi 37), ông công bố một công trình nghiên cứu mới ở trình độ rất cao: Lý thuyết tương đối tổng hợp. Lý thuyết này liên quan đến năng lượng nguyên tử. Từ công thức cũ E=mc² có thể thấy với một khối lượng cực nhỏ có thể giải phóng một năng lượng cực lớn. Các hạt cơ bản chuyển động càng nhanh bao nhiêu thì lực càng lớn bấy nhiêu, có thể làm tăng vận tốc của chúng đến một trị số đã cho, tức là khối lượng tương đối của chúng càng lớn lên bấy nhiêu. Cốt lõi của Lý thuyết tương đối tổng hợp là Nguyên lý tương đương – Trọng lực và Quán tính cũng thế cả thôi. Trọng lượng luôn luôn tỷ lệ với khối lượng quán tính. Mọi định luật của tự nhiên đều như nhau đối với bất kỳ người quan trắc nào.

einstein2-1348649207_480x0.jpgEinstein có tính ưa khôi hài. Có lần Vua hề Charlie Chaplin nhận được thư khen của Einstein sau khi xem phim Nhật ký đào vàng. Einstein viết: Ngài chỉ diễn câm thế mà mọi người trên thế giới đều hiểu. Ngài chắc chắn sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại. Chaplin đã dí dỏm có thư phúc đáp như sau: Tôi càng kính phục ngài hơn. Thuyết tương đối của ngài không ai hiểu gì cả thế mà ngài đã trở thành một nhân vật vĩ đại rồi.

Có lần Einstein bị một nhóm ký giả vây quanh. Một người hỏi: Thưa ngài, giữa thời gian và sự vô tận có sự khác biệt như thế nào? Einstein vui vẻ trả lời: Ông bạn thân mến, nếu tôi có thời gian để giải thích cho bạn sự khác biệt đó thì sẽ là sự vô tận trước khi bạn hiểu điều đó.

Einstein có cuộc sống rất thanh thản, giữa các giờ nghiên cứu miệt mài ông thường tự thư giãn bằng thú vui kéo violon hay tập thể dục. Ông cũng có tính đãng trí bác học. Có lần, trên xe buýt ông đánh rơi kính. Đang lom khom sờ soạng dưới sàn xe thì cô bé đứng đối diện nhặt chiếc kính dúi vào tay ông. Ông vồn vã: Cám ơn cháu. Cháu tên là gì nhỉ? Cô bé véo má ông: Con là Clara Einstein đây bố ạ.

Einstein sống rất vui vẻ với bạn bè và các học trò của mình. Tuy nhiên, người đời vẫn gọi ông là Lữ khách cô đơn – mặc dù ông đã có 2 đời vợ và khá nhiều người tình.

Tuy là người Đức nhưng vì có gốc Do Thái (đã có lần được đề nghị làm Tổng thống Israel nhưng ông từ chối), nên ông bị buộc rời Đức vào năm 1933. Ông sang dạy học ở Pháp, Bỉ, sau đó sang Mỹ và nhập quốc tịch Mỹ. Tại đó, ông bị cơ quan tình báo FBI lập hồ sơ theo dõi dày tới 1.427 trang. Trong một bức thư gửi Johann Fantova, người tình trong nhiều năm cuối đời, ông than vãn: “Không thể vượt qua được thế lực của những kẻ ngu dốt, vì chúng quá đông”.

Einstein được nhận giải thưởng Nobel vào năm 1921. Nhân loại luôn biết ơn ông và hình ảnh ông được in trên tem, đúc tượng, vẽ tranh và đặt tên đường phố tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1945, ông đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Roosevelt khuyên can không nên sử dụng vũ khí nguyên tử, nhưng Mỹ không nghe và đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Tháng 5/1946, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban cảnh giác của các nhà bác học nguyên tử. Cho đến trước khi mất (1955), lúc nào ông cũng tích cực đấu tranh chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

(Theo Kiến Thức Ngày Nay)

BÌNH LUẬN